I.Mục đích.
-Thông qua cuốn sách giúp HS hiểu rõ hơn về tình người, tình quê hương của người Việt Nam.
-Giúp học sinh chăm đọc sách tìm hiểu và khám phá kho tàng chi thức.
II.hình thức.
- Tuyên truyền miệng.
- Thời gian: Thứ hai ngày 13 tháng 01 năm 2020.
III. Thành phần:
-Toàn bộ cán bộ cán bộ, GV, CNV và HS trong trường.
-Người thực hiện: HS lớp 8A.
IV. Nội dung:
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Tập truyện “Những ánh sao xanh” của Nông Quang Khiêm như một bức tranh với những gam màu tươi sáng đầy hương sắc và tình người về quê hương yêu dấu. “Những ánh sao xanh” là tập truyện mới xuất bản của cây bút trẻ Nông Quang Khiêm (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2013). Cuốn sách được in trên khổ giấy 13cmx19cm dày 78 trang, Cả tập chỉ có 10 truyện nhưng để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó quên, bởi sự tinh tế trong từng đề tài, dồn nén của cảm xúc đời sống rất đỗi bình dị, những tình cảm sâu sắc với quê hương, bạn bè, người thân đã giúp nuôi dưỡng những ước mơ trong trẻo của tuổi thơ và những bài học nhân văn nhẹ nhàng, sâu sắc.
Tập sách có những mảng đề tài và số phận nhân vật khác nhau, ít nhiều thể hiện qua tên từng truyện: “Tuổi thơ quê núi”, “Đồng làng”, Đò ơi”, “Tranh đá quí”, “Những ánh sao xanh”, “Gọi vía”, “Lòng người”, “Mùa hoa gạo đỏ”, “Con khỉ cụt tay” nhưng xuyên suốt là tình yêu quê hương tha thiết cùng bao kỷ niệm không thể nào quên của một thời thơ ấu với những người thân yêu nhất.
“Tuổi thơ quê núi” là một câu chuyện giàu chất thơ để lại cho người đọc dư vị ngọt ngào về nơi chôn rau cắt rốn, một tình cảm hồn nhiên và dễ thương tuôn chảy. Thật đằm lắng, ân tình, những điều lớn lao về tình yêu quê hương được diễn đạt một cách dung dị, thấm đượm tình người.
Viết về quê hương, Nông Quang Khiêm “Nhớ mùa cá vật” ở hồ Thác Bà, mỗi mùa mưa về, các loại cá lại đua nhau tìm những nơi “có nhiều bụi cỏ, nước xâm xấp hoặc chỗ có nước mới từ các khe, các suối đổ xuống, cá thi nhau lên đẻ trứng”.
Tác giả nhớ tiếng gọi “Đò ơi” khắc khoải bến sông. Câu chuyện không chỉ kể về cuộc đời bà Coóng nghèo khổ cả đời làm nghề chèo đò mà còn dẫn người đọc đến một tình huống bất ngờ này đến bất ngờ khác và tiếng gọi đò khắc khoải của người đàn ông ở cuối truyện sao mà xa xót, thức tỉnh nhân tâm.
Bạn đọc còn được tìm hiểu buổi “Gọi vía” của người Tày quê anh đầy chất nhân văn, không chỉ hiểu thêm một nét đẹp của phong tục tập quán của người Tày mà còn thêm yêu, trân trọng nâng niu những tinh hoa văn hóa của dân tộc và yêu quí nhau hơn.
Gắn bó với quê hương, Nông Quang Khiêm có lợi thế sử dụng những kiến thức về phong tục tập quán của người Tày, từ cách nghĩ, cách nói đến những phong tục nhưng anh không lạm dụng, hơn thế những điều đó trở thành đắc dụng, dễ cảm, sâu sắc và tinh tế. Mỗi câu chuyện không chỉ là những kỷ niệm với quê hương, với người thân mà còn mang đậm chất nhân văn, điều không thể thiếu trong những truyện viết cho thiếu nhi như truyện: “Con khỉ cụt tay”. Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện con khỉ bị cụt tay thật cảm động.
Còn truyện “Tranh đá quý” như bức tranh cuộc đời đầy sức hút nhưng cũng đầy chông gai và cạm bẫy đối với những trẻ mới lớn, cần công ăn việc làm và thu nhập cao trong khi sự học còn dở dang. Câu chuyện của nhân vật Quỳnh sau bao công việc vất vả đã bộc lộ năng khiếu làm tranh đá quí nhưng kiên quyết cự tuyệt sự cám dỗ của tay giám đốc để lại bài học thấm thía cho lớp trẻ trước sóng gió cuộc đời.
Truyện “Lòng người” và “Mùa hoa gạo đỏ” lại mang chút già dặn của sự quan sát, trải nghiệm. Truyện “Lòng người” đưa bạn đọc đến một hoàn cảnh éo le của hai đứa trẻ cùng cha khác mẹ với bao đau buồn không thể đặt tên và cái kết thật bất ngờ khi hai đứa trẻ biết nhau là anh em ruột và lòng mẹ bao dung là còn mãi dẫu mẹ đã mất vì bạo bệnh: “Trong nghi ngút khói hương, mẹ vẫn nhìn chúng tôi cười hiền thanh thản. Bao nhiêu vụng trộm toan tính, bao nhiêu nhỏ nhen, ích kỷ đều trở nên nhỏ bé trước tấm lòng bao dung và tình thương yêu vô bờ của mẹ”.
Có thể nói tập truyện “Những ánh sao xanh” của Nông Quang Khiêm như một bức tranh với những gam màu tươi sáng đầy hương sắc và tình người về quê hương yêu dấu của anh.. Bởi vậy, mỗi truyện đều tự nhiên như suối nguồn tuôn chảy và tạo nên những giá trị thẩm mỹ và nhân văn không chỉ cho tuổi thơ mà cả những bậc làm cha mẹ. Tác giả chỉ mượn đối tượng thiếu nhi để nói lên ý kiến, suy nghĩ, những giá trị đạo đức, giáo dục của người lớn nên không tránh khỏi sự áp đặt và nặng nề.Hiện cuố sách đang có trng thư viện có số ĐKCB là 345. Mời các bạn tìm đọc.
Xin chân thành cảm ơn sự lắng nghe chủa quí thầy cô cùng các bạn.
Duyệt BGH Vân Hòa, ngày 06 tháng 01 năm 2020.
CBTV
Phương Thị Phương.